Võ đường Karatedo Yamadakai - HỘI SƠN ĐIỀN Thành Lập : 1951 - Sài Gòn - VN Do : Cố Giáo Sư - Võ Sư HỒ CẨM NGẠC (Grand Master)Sáng lập Trưởng môn : Vs. HỒ HOÀNG KHÁNH (Chief Yamadakai-kan)
Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009
Tư Liệu Tham Khảo
MỘT THỜI KARATEDO YOSEIKAN HỒ CẨM NGẠC.
Võ sư Hồ Cẩm Ngạc sinh 1923 tại Sài Gòn, mất ngày 01/03/1965 tại Sài Gòn. Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nhiệp Judo tại võ viện Kodokan, tốt nghiệp Karatedo tại võ viện Yoseikan, Nhật Bản.
Đầu năm 1948, sau 7 năm du học tại Nhật (từ 1941 đến 1947) ông về nước. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu học võ Thiếu Lâm với vị thầy Trung Hoa (là bạn của thân phụ). Năm 18 tuổi, du học Nhật Bản và bắt đầu học Karatedo với võ sư Zenkoshan thuộc võ phái Shotokan. Năm 20 tuổi đồng thời theo học Judo tại trường Kodokan. Sau đó ông theo học Kendo và Aikido tại võ viện Yoseikan. Ông là người Việt đầu tiên học và thi tốt nghiệp các bộ môn võ Nhật Judo, Karate-do, Kendo và Aikido tại Nhật Bản. Đầu năm 1950, ông mở phòng dạy Judo tại sân Phan Đình Phùng - Sài Gòn. Trong những năm dạy võ Nhật (Judo, Karatedo, Kendo và Vật), VS Hồ Cẩm Ngạc đã đào tạo ra hàng ngàn võ sinh và một số lớn đai đen huấn luyện viên trên toàn quốc. Một trong những môn sinh Karatedo của ông ở thời đó là Nguyễn Lâm, hiện nay (2006) là chưởng môn của võ phái Kieando (Kiến An Kung fu), võ sư Nguyễn Lâm đã theo học Karatedo với thầy Hồ Cẩm Ngạc tại Sài Gòn từ những năm 50; một võ sư khác từ Karatedo Hồ Cẩm Ngạc là Hồ Hoàng Khánh, con trai ông - người đã đóng góp nhiều tài liệu karatedo cho nước nhà.
Thầy Suzuku Choji bắt đầu dạy môn Karatedo tại Huế từ 1959 (mặc dù đến tháng 11/1964, Nha Thanh niên thuộc chính quyền Sài Gòn mới cấp giấy phép cho thầy chính thức mở Võ đường Linh Trường Không thủ đạo tại chân cầu Đông Ba) nhưng thầy Hồ Cẩm Ngạc sau khi tốt nghiệp Karatedo tại võ viện Yoseikan (*), đã về SàiGòn từ 1948 tức là sớm hơn 11 năm so với thời điểm thầy Suzuki Choji bắt đầu truyền dạy Karatedo tại Huế (1959). Trong hơn 10 năm, võ sư Hồ Cẩm Ngạc đã truyền dạy môn Karatedo cho bao nhiêu người Việt trước khi thầy Suzuki Choiji dạy Karatedo cho học trò người Việt đầu tiên của mình ?.
Có thể coi võ phái Karate Takeno uchi ngày xưa thầy Suzuki đã luyện là khác với Karate Yoseikan mà thầy Hồ Cẩm Ngạc đã tập nhưng sự khác đó chỉ là “đại đồng tiểu dị” trong văn hoá và võ học karatedo (nhất là khi đi thi huyền đai Karate quốc gia, quốc tế, kể cả người nứớc ngoài đến thi tại Nhật, thì “cái khác nhau” càng ít dần). Tóm lại, nói thầy Suzuki Choji là người đầu tiên sáng lập truyền dạy môn Suzucho Karate Do là chính xác, nhưng nói thầy là người đầu tiên đưa môn Karate Nhật vào Việt Nam thì cũng nên nghĩ lại. (*) Võ viện Yoseikan tại Nhật và Pháp do VS Minoru Mochizuki sáng lập. Sau chiến tranh thế giới lần II, giũa Nhật và Pháp có ký kết 1 hiệp ước văn hoá, trong đó có việc đưa các môn võ Nhật sang Pháp - vấn đề bấy giờ là chọn 1 người nhưng phải tinh thông nhiều môn võ Nhật để đi định cư (và dạy võ) ở Pháp. Để giải quyết vấn đề, võ sư Morihei Ueshiba đã đề cử một người mà ông quý trọng, đó là Minoru Mochizuki. Minoru Mochizuki (1907 - 2003) Trước đó, khi Morihei Ueshiba còn dạy môn Aikido cổ truyền (Aiki Ju Jitsu: Hiệp khí nhu thuật: AIKIBUDO: Hiệp khí võ đạo) thì Minoru Mochizuki là một trong những môn đồ xuất sắc - điều thú vị là trước khi đến với Aikibudo thì Minoru Mochizuki là môn sinh Judo đầy tài năng và chính ngài tổ sư của môn Judo đã trực tiếp gửi người học trò Minoru Mochizuki yêu quý của mình cho VS Morihei Ueshiba. Sau này, khi Morihei Ueshiba cắt bỏ những thế hiểm độc trong Aikido cổ truyền để sáng lập môn Aikido hiện đại (môn võ hoà bình) thì nhiều môn đệ ưu tú đã không nhất trí vì tiếc những kỹ thuật quý báu của Aiki Ju Jitsu, họ đã lập các hệ phái Aikido riêng để giữ gìn kỹ thuật đã học và trong số đó có Minoru Mochizuki. Nếu Shioda lập Aikido Yoshinkan (Dưỡng thần quán) thì Minoru lập võ viện Yoseikan (Dưỡng chính quán) - tại võ viện Yoseikan dạy nhiều môn võ Nhật (Judo, Karatedo, Kenjitsu, IAIDO, Aikido cổ truyền;...và để phân biệt với các nơi khác, những phân khoa ở võ viện Yoseikan được gọi theo tên của khoa kèm theo tên của viện: Karate Yoseikan, Judo Yoseikan, Aikido Yoseikan,...). Về sau VS Morihei Ueshiba không những không trách Minoru Mochizuki đã làm trái ý mình mà còn hết sức tin tưởng và tiến cử VS Minoru Mochizuki cho Hiệp hội võ thuật Nhật bản để Hiệp hội này cử VS Minoru Mochizuki sang định cư ở Pháp để dạy các môn võ Nhật theo hiệp ước văn hoá Pháp - Nhật như đã kể trên.
http://traisontac.16.forumer.com/a/posts.php?topic=15&start=
Cuộc đời và võ nghiệp của cố giáo sư Hồ Cẩm Ngạc
Âu Vĩnh Hiền
Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc sinh năm 1923 tại Saigon, thuộc giáo phái Cao Đài, thông thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa và Đức, nghề nghiệp giáo sư ngoại ngữ, và giáo sư Nhu Đạo tại bộ thanh niên.
Gs Hồ Cẩm Ngạc đang hướng dẫn một thế kiếm
Cha tên là Hồ Hương Hà, một thương gia sinh quán tại cố đô Huế, thông thạo bảy ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ấn, Trung Hoa, Miên và Thái Lan. Sau một thời gian lập gia đình ở Saigon, công việc thương mại bị thua lỗ, thất bại nhiều, ông thân sinh của cố giáo sư phải đổi nghề vào làm thư ký và thông dịch viên cho Pháp Quốc Ngân Hàng tại Saigon. Trong số mười anh em, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc là huynh trưởng, đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở tư chất thông minh và đức hạnh của người cha, cho nên thuở nhỏ khi còn ở ghế nhà trường, chàng thiếu niên Hồ Cẩm Ngạc đã tỏ ra là một người học trò thông minh xuất sắc và gương mẫu.
Ngoài việc trau luyện văn hóa, chàng thiếu niên Hồ Cẩm Ngạc còn rất hâm mộ võ nghệ và có năng khiếu về hội họa, âm nhạc và thích đọc sách, chàng thường giao du với những bạn học giỏi võ để có dịp tập luyện.
Đến năm 1935, chàng thiếu niên mới thực sự thọ giáo với một người Trung Hoa rất giỏi về quyền thuật thiếu lâm. Vị quyền sư này không ai khác hơn là một trong những người bạn của thân sinh chàng. Vì cảm mến sự thông minh và hạnh kiểm cũng như tinh thần hâm mộ võ nghệ của chàng thiếu niên, vị quyền sư đã không ngần ngại thu nhận đứa con đầu lòng của bạn thân mình làm môn đệ phái thiếu lâm.
Đến năm 1940, sau khi học xong ban trung học, vì gia đình bị túng thiếu nên ông không thể tiếp tục sự học được nữa và phải vào giữ chức thư ký cho một hiệu buôn của người Nhật tại saigon.
Trong suốt thời gian giúp việc tại hiệu buôn này, ông đã chứng tỏ khả năng làm việc của mình gây được sự lưu ý đặc biệt và lòng cảm mến của vị giám đốc người Nhật. Chẳng bao lâu vị giám đốc Nhật này được lệnh hồi hương.
Trước khi rời khỏi Việt Nam, vị giám đốc Nhật có nhã ý mời, thanh niên Hồ Cẩm Ngạc sang Nhật làm việc với ông ta.
Sau khi được sự đồng ý của song thân, chàng vội vã thu xếp hành trang, giã từ đất mẹ, sang đất nước Phù Tang của những người võ sĩ đạo.
Trong những ngày đầu tiên ngỡ ngàng nơi xứ lạ, chàng thanh niên Việt Nam Hồ Cẩm Ngạc đã được giới thiệu của vị giám đốc Nhật để đến trường học Nhật ngữ và ở tại nhà ông Toshiro- Mifune. Dần dần trong cảnh sống gần gũi trong nhà, ông Toshiro rất cảm mến về đức hạnh của chàng thanh niên Việt Nam. Rồi một hôm, nhân dịp đại úy Yenkoshan, đến thăm (ông này là một sĩ quan không quân Nhật cũng là một quyền sư Karate đệ bát đẳng huyền đai và Nhu Thuật (judo) đệ nhất đẳng huyền đai). Ông Toshiro-mifune đã không ngần ngại giới thiệu chàng thanh niên Việt Nam Hồ Cẩm Ngạc để có dịp theo học võ Karate với ông này, kể từ ngày đó chàng đã thực sự ở nhà của sư phụ mình để ngày đêm gia công luyện tập Karate và trao dồi văn hóa. Vì sẵn có căn bản võ Trung Hoa, cho nên ông đã lĩnh hội những điều chỉ dạy về Karate của sư phụ mình một cách nhanh chóng. Trong thời gian thụ giáo Karate, đại úy Yenkoshan đã có lòng cảm mến người đệ tử Việt Nam này, không ngần ngại thu nhận chàng làm dưỡng tử.
Mãi đến cuối năm 1942 được tin thân phụ ở xứ nhà bị bệnh nặng, chàng giã từ dưỡng phụ, hồi hương và đến đầu năm 1943 thì ông thân sinh qua đời. Kế đó Ông lại bị chính quyền Việt Minh quản thúc mất hai mươi ngày vì ở ngoại quốc mới về.
Đến cuối năm 1943, ông Hồ Cẩm Ngạc được thư của dưỡng phụ là đại úy Yenko gọi sang Nhật. Ông nhờ dưỡng phụ vào vận động cho ông được gia nhập vào ngành không quân Nhật Bản.
Chính nhờ ở trong ngành không quân mà ông đã có dịp chu du tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong suốt thời gian sinh sống tại Nhật Bản, Ông đã theo học Nhu Đạo tại viện Kodokan (Đông Kinh), ngoài ra ông còn được thụ giáo với các võ sư cao cấp Nhật Bản về những môn: Karate do (không thủ đạo), aikido (hiệp khí đạo) kendo (kiếm đạo) với kết quả như sau:
Môn Nhu Đạo (judo) với cấp bậc huyền đai nhị đẳng (và được thăng lên đệ tam đẳng trong thời gian hoạt động Nhu Đạo ở Việt Nam).
Môn Không Thủ Đạo (Karatedo) với cấp bậc huyền đai đệ tam đẳng.
Môn Hiệp Khí Đạo (Aikido) huyền đai đệ nhị đẳng.
Môn Kiếm Đạo (kendo) huyền đai đệ tứ đẳng.
Đầu năm 1947, ông Hồ Cẩm Ngạc được thăng cấp trung úy và sau đó ông được phép giải ngũ theo đơn xin của ông để ra khỏi ngành không quân Nhật rồi giã từ dưỡng phụ, trở về đất tổ.
Năm 1948, ông cùng với vài người bạn thành lập một đoàn hát cải lương, ca kịch lấy hiệu đoàn “Xuân Thu”. Ông phụ trách phần đạo diễn và soạn giả viết tuồng hát. Đoàn hát Xuân Thu hoạt động được hai năm đến năm 1949 thì bị rã gánh vì tài chánh eo hẹp.
Ngoài ra ông còn là tác giả của những họa phẩm sơn dầu lấy hiệu là Xuân Thu và cũng là một biên tập viên biên soạn và bình luận về truyện Tàu và giữ các mục khảo cứu võ thuật trong các báo như “Đuốc Tuệ” báo vào năm 1948-1949, báo “Đại Chúng” trong năm 1960-1963. Ông còn là tác giả quyển “Nhu Đạo Tạp Phương” xuất bản năm 1945.
Đầu năm 1950, ông ra Vũng Tàu theo lời mời của một Pháp kiều để cùng hợp tác mở phòng tập Nhu Đạo, nhưng chương trình bất thành. Sau đó ông thành lập phòng tập Nhu Đạo đầu tiên tại tư gia xóm Rạch Đông, đường Công Lý (Phú Nhuận – Saigon) để huấn luyện một số môn sinh có thiện chí theo luyện tập (vì lúc bấy giờ môn Nhu Đạo chưa được phổ biến mạnh tại Việt Nam). Ông là một trong những người đầu tiên đẩy mạnh phong trào thanh thiếu niên Nhu Đạo Việt Nam.
Cuối năm 1950, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc nhận được thơ mời của bộ Thanh Niên và Thể Thao tổ chức phòng tập Nhu Đạo tại số 75 Phan Đình Phùng (Saigon) – (Sân vận động Phan Đình Phùng), do một người bạn có thẩm quyền tại bộ thanh niên biết được giáo sư có thực tài về môn Nhu Đạo. Phòng tập Nhu Đạo tại sân vận động Phan Đình Phùng đã thu hút được một số rất lớn thanh thiếu niên Đô Thành đến tập Nhu Đạo cũng như học sinh các trường trung học công lập Saigon đều được gởi đến, số học sinh đáng kể nhất là trường kỹ thuật Cao Thắng, và trường thực nghiệp Nguyễn Trường Tộ. Ngoài ra, giáo sư còn huấn luyện một “đoàn biểu diễn võ thuật” gồm những võ sinh cao cấp có khả năng và thiện chí đi khắp các tỉnh trình diễn môn Nhu Đạo cùng với các môn Không Thủ Đạo, Hiệp Khí Đạo, kiếm Đạo và Đô Vật. Đoàn biểu diễn này gây được tiếng vang Nhu Đạo đúng theo ý nguyện của giáo sư. Đến năm 1955, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc là một trong những người sáng lập “Việt Nam Nhu Đạo Thân Thiện Hội” (sáng lập viên gồm có giáo sư Hồ Cẩm Ngạc, Đốc công Cảnh, Nguyễn Phú Bu, giáo sư Phan Văn Quan, giáo sư Phạm Lợi, ông Lê Văn Châu). Trụ sở của hội lúc bấy giờ đặt tại số 75 Phan Đình Phùng.
Gs. Hồ Cẩm Ngạc giới thiệu đoàn Judo biễu diễn năm 1958
Đầu năm 1961, sau mười một năm hoạt động, phòng tập Nhu Đạo được di chuyển về trung tâm sinh hoạt Thanh Niên (khu Đại thế giới cũ- Chợ Lớn), nơi đây phòng tập khá rộng rãi cho nên số võ sinh gia tăng mạnh mẽ. Phụ tá HLV Lê Hữu Phước và Thịnh Đức Phú.
Giữa năm 1962, giáo sư lập thêm một phòng tập Nhu Đạo khá rộng rãi tại khu đất góc đường Duy Tân Hồng Thập Tự (bây giờ là trụ sở tổng hội sinh viên) phòng Nhu Đạo này do HLV Lê Hữu Phước hướng dẫn được hơn một năm. Cũng nên biết rằng anh Lê Hữu Phước đã là một HLV đai đen có công rất lớn trong nhiều năm phụ tá HLV Nhu Đạo với giáo sư Hồ Cẩm Ngạc tại phòng tập Phan Đình Phùng. Đồng thời giáo sư còn thành lập một phòng tập Nhu Đạo tại khu thể thao tỉnh Gia Định do bào đệ Hồ Châu Bội hướng dẫn.
Đầu năm 1963, giáo sư còn phụ trách thêm một phòng Nhu Đạo tại Nha Kiến Thiết kế Đô thị đường dành riêng cho nhân viên tại đây tập luyện, trong thời gian này giáo sư cùng với ông Trần Bá Biện đứng ra sáng lập Hội Nhu Đạo Sơn Điền. Cuối năm 1963 giáo sư thành lập một lớp Nhu Đạo tại sở thanh niên Đô Thành góc Hai Bà Trưng- Hồng Thập Tự do hai huấn luận viên Thịnh Đức Phú và Lưu Kế Viễn hướng dẫn. Đầu năm 1964, phòng tập Nhu Đạo tại chi thanh niên quận 6 Chợ Lớn khánh thành do hai HLV Âu Vĩnh Hiền và Bùi Văn Lộc hướng dẫn. Đầu năm 1965, phòng tập tại sân vận động Cộng Hòa hoạt động được ba tháng thì giáo sư tử nạn nên số võ sinh này được sát nhập vào phòng Nhu Đạo tại chi thanh niên quận 6. Hơn nữa, tại các tỉnh Định Tường, Tây Ninh, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Phan Rang… giáo sư đều có gởi cán bộ đai đen đến phụ trách những phòng tập Nhu Đạo do giáo sư sáng lập làm chi nhánh cho Hội Sơn Điền.
Trong 1 lần biểu diễn
Trong suốt nhiều năm hoạt động Nhu Đạo giáo sư đã hướng dẫn trên mười ngàn thanh niên Nhu Đạo và đã đào tạo được một số lớn HLV đai đen đa số phục vụ trong quân đội.
Thế rồi ! định mệnh đã an bài cho cuộc đời của giáo sư, phủi sạch nợ trần để trở về với cát bụi vào lúc 9h30 sáng ngày 01-3-65 để cứu lấy mạng sống của hai vị linh mục trong một tai nạn xe cộ tại ngã tư đường Hiền Vương và Bà Huyện Thanh Quang (Saigon).
http://www.aiki-viet.com.vn/oaihung-vn/mldocument.2007-07-22.1053430412
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét